Dự báo nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ sẽ hồi phục trong năm 2013
Dự báo, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ trong năm 2013 sẽ phục hồi khá, sau khi duy trì mức ở mức thấp trong suốt hai năm 2011 & 2012. Năm 2011, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đã giảm 3,16% so với năm 2010 và năm 2012 nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ chỉ tăng nhẹ 0,58% so với năm 2011, đạt 100,9 tỷ USD tương đương với 54 tỷ m2 quy đổi.
Thông tin về các số liệu mới nhất của nền kinh tế thế giới, cùng những báo cáo về doanh số của các công ty bán lẻ trên thị trường Mỹ là những yếu tố giúp cho nhận định nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ tăng trưởng vững chắc.
Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhiều chỉ số kinh tế hàng đầu đưa ra cho thấy nhịp độ tăng trưởng đang ổn định hơn tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Những tuần gần đây, lòng tin của thị trường tài chính vào khả năng vượt qua khủng hoảng của khu vực này đang được cải thiện. Các chỉ số của kinh tế Mỹ và Anh tiếp tục chứng tỏ đà phục hồi vững mạnh hơn, còn triển vọng của Đức và Pháp đang khá lên. Kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ cũng phát đi những tín hiệu lạc quan. Tương tự tại Nhật Bản và Brazil, những dấu hiệu sơ bộ về đà tăng trưởng đang rõ nét hơn.
Kinh tế Hoa Kỳ: Nhiều dấu hiệu lạc quan
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới công bố, kinh tế nước này đã nhích lên kể từ giữa tháng 11/2012, khi các báo cáo từ 12 Ngân hàng Dự trữ khu vực cho thấy chi tiêu tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ tăng, lạm phát thấp, doanh số bán ôtô được cải thiện, sản lượng công nghiệp cao hơn và thị trường nhà ở đang trong quá trình phục hồi.
Trong khi đó, gần như tất cả các khu vực đều chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động xây dựng và doanh số bán nhà. Tại cuộc họp vào tháng 12/2012, FED thông báo sẽ duy trì lãi suất ở mức gần 0% ít nhất là cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 7,8% hiện nay xuống 6,5%, với điều kiện tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 2,5%.
Thu nhập tính theo tuần của người tiêu dùng trong tháng 12 tăng 0,6%, có nghĩa họ vẫn có khả năng tăng chi tiêu vào đầu tháng 1/2013, dù thuế lương và thuế đánh vào người giàu bắt đầu tăng.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 12 là 1,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 8, nhờ giá xăng dầu giảm.
Tăng trưởng việc làm vẫn khiêm tốn song ổn định, với số việc làm mới trong tháng 12 đạt mức 155.000, bằng với mức trung bình trong năm 2011 và 2012.
Doanh số bán lẻ ở tất cả các khu vực trên trong mùa Giáng sinh năm 2012 tăng so với năm trước đó và doanh số bán ôtô hoặc ổn định hoặc tăng ở 10 khu vực. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và các đại lý ô tô dự kiến tăng trưởng doanh số bán sẽ chậm lại, do lo ngại rằng người tiêu dùng sẽ thận trọng hơn trong chi tiêu khi chưa có gì chắc chắn về các vấn đề tài chính của Mỹ.
Tại các cửa hàng may mặc của Mỹ, doanh số bán hàng đã tăng khá trong tháng 12, phản ánh sự tăng trưởng việc làm ổn định và giá năng lượng thấp.
Theo Kantar, doanh số bán lẻ tăng 3,6% trong tháng 12/2012 – khá cao so với mức tăng 3,1% của năm 2011 và 3,2% của năm 2010. Kết quả này đạt được nhờ các số liệu từ các cửa hàng may mặc, phụ kiện và các cửa hàng bách hóa.
Các nhà bán lẻ như Macy, Saks và Nordstrom đều ghi nhận sự tăng mạnh của doanh số bán hàng trong tháng 12/2012. Saks cho biết mặt hàng tăng mạnh nhất bao gồm đồ phụ nữ và may mặc hiện đại, túi xách, giày dép, đồ trang sức, phụ kiện của nam giới, và nước hoa.
Triển vọng
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo cú huých khá mạnh cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2013. Lòng tin của các nhà thầu trong tháng Một vẫn ở gần mức cao nhất trong bảy năm, cho thấy triển vọng của thị trường bất động sản sáng sủa.
Như vậy, triển vọng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ sẽ tăng trưởng trong năm 2013 là khá vững chắc và là cơ hội tốt cho hàng dệt may Việt Nam tiếp tục khẳng định và gia tăng thị phần tại đây. Dự đoán, năm 2013, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ ước đạt 55,4 tỷ m2 và 103 tỷ USD, tăng 3% về lượng và trị giá so với năm 2012. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam ước tăng 5% về lượng và tăng 10% về trị giá so với năm 2012, đạt 8,3 tỷ USD, tương đương 3,28 tỷ m2.
Năm 2012, là năm khá thành công của các nhà cung cấp hàng dệt may lớn cho thị trường Mỹ tại thị trường này. Bởi vì, các nhà cung cấp hàng dệt may lớn là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia… đều duy trì được đà xuất khẩu như năm 2011 vào thị trường Mỹ. Còn sự suy giảm lại đến từ các thị trường được coi là sân sau của Mỹ như Mexico, Honduras, Salvador… Các nước này dù được hưởng nhiều lợi ích từ việc thực thi các Hiệp định thương mại giữa các nước trong khu vực nhưng vẫn không tận dụng được lợi thế để duy trì và tăng xuất hàng vào thị trường Mỹ, mà còn bị giảm sút về khối lượng cũng như trị giá.
Nhờ duy trì được đà xuất khẩu nên thị phần hàng dệt may của các nước cung cấp chính vẫn được duy trì ổn định và tăng nhẹ so với năm ngoái.
Về chủng loại mặt hàng: Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ trong năm 2012 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng sử dụng chất liệu bông, do giá các mặt hàng này tiếp tục đứng ở mức cao so với giá của các sản phẩm cùng loại nhưng sử dụng chất liệu khác, dù giá nhập khẩu trung bình của nhóm hàng này đã giảm hơn10% so với năm 2011. Nhập khẩu nhóm mặt hàng sử dụng chất liệu bông của Mỹ đã giảm tới 4% về lượng và giảm 6% về trị giá so với năm 2011; trong khi nhập khẩu nhóm mặt hàng sử dụng chất liệu nhân tạo lại tăng 2,73% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với năm 2011. Giá các mặt hàng chất liệu bông cao, nhiều người đã chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng sử dụng chất liệu nhân tạo, khiến nhu cầu về mặt hàng này cao hơn, đẩy giá của mặt hàng này đã tăng tới 9,2% trong năm 2012. Dù vậy, đây tiếp tục là nhóm hàng người tiêu dùng lựa chọn trong năm 2013, vì các mức giá vẫn khá hấp dẫn so với nhóm hàng sử dụng chất liệu bông. Cụ thể:
+ Giá nhập khẩu trung bình Cat.338 của Mỹ là 5,62 USD/tá, giảm 16% so với năm 2011. Trong khi đó, giá nhập khẩu trung bình của Cat.638 vào thị trường Mỹ chỉ đứng ở mức 2,97 USD/tá, và đã tăng 25% so với năm 2011.
+ Giá nhập khẩu Cat.339 của Mỹ là 6,01 USD/tá, giảm 19% so với năm 2011. Trong khi giá nhập khẩu trung bình Cat.639 chỉ ở 3,72 USD/tá, tăng 36% so với năm 2011.
+ Giá nhập khẩu Cat.347 của Mỹ đạt 5,55 USD/tá, giảm 3,73% so với năm 2011. Trong khi giá nhập khẩu Cat.647 vào Mỹ là 4,15 USD/tá.
Trong tháng 12, có 800 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ. Trong đó, Cty TNHH Hansae Việt Nam (tính cả chi nhánh ở Huế) là đơn vị có kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất trên 32 triệu USD và đơn vị có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất là Cty TNHH Parapex với trên 500 USD.
(Theo Thông tin Thương mại Việt Nam)
4/3/2013 3:56:53 PM